(VNF) – Nâng hạng thị trường có ý nghĩa rất quan trọng, giúp thị trường chứng khoán VIệt Nam được đánh giá cao hơn, qua đó thu hút dòng vốn quốc tế.
Nâng hạng thị trường có ý nghĩa rất quan trọng, giúp thị trường chứng khoán VIệt Nam được đánh giá cao hơn, qua đó thu hút dòng vốn quốc tế.
FTSE Russell
Thành lập vào năm 1987, Bộ chỉ số FTSE ban đầu bao phủ 70% vốn hóa thị trường của 23 quốc gia. Thương hiệu FTSE Russell xuất hiện năm 2014 và bao gồm bộ chỉ số FTSE Global Equity Index Series (FTSE GEIS).
Theo các tiêu chí đưa ra, FTSE Russell phân loại 4 cấp, gồm: Quốc gia phát triển, quốc gia mới nổi tiên tiến, quốc gia mới nổi sơ cấp và quốc gia cận biên. Bên cạnh đó, FTSE Russell cũng công bố danh sách theo dõi các quốc gia có khả năng được phân loại, qua đó cho phép nhà đầu tư theo dõi sự thay đổi.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nằm trong nhóm thị trường cận biên (Frontier) và ở trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2. Nếu được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận với các quỹ đầu tư với quy mô tài sản lớn phân bổ theo bộ chỉ số này.
Vừa qua, tại kỳ đánh giá phân loại thị trường tháng 3/2021, FTSE ghi nhận hầu hết các tiêu chí về mặt định lượng của TTCK Việt Nam đều đã đạt được, ngoại trừ tiêu chí hoạt động thanh toán bù trừ theo mô hình Delivery vs Payment (DvP) – do quy định phải ký quỹ đủ tiền tại khoản 2 điều 7 thông tư 203/2015/TT-BTC. Qua đó, TTCK Việt Nam tiếp tục không thỏa mãn 2 tiêu chí là “Chu kỳ thanh toán bù trừ” – bị đánh giá ở mức hạn chế, và tiêu chí “Thanh toán bù trừ – Không xảy ra thất bại trong giao dịch” – không được đánh giá.
Điều này đồng nghĩa, TTCK Việt Nam tiếp tục ở lại nhóm thị trường cận biên và nằm trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2. FTSE sẽ đánh giá lại cơ hội chính thức nâng hạng thị trường của Việt Nam vào tháng 09/2021.
Những vướng mắc cần giải quyết
Về tiêu chí “Chu kỳ thanh toán bù trừ (DvP)”, mong muốn của FTSE Russell là chu kỳ thanh toán phải là T+0 (nghĩa là sau khi bán cổ phiếu, tài khoản ghi nhận có tiền ngay). Còn ở Việt Nam hiện nay, nhà đầu tư sau khi bán cổ phiếu phải chờ 2 ngày (T+2) thì tiền bán cổ phiếu mới về tài khoản. Đây là điều bất lợi với nhà đầu tư mà FTSE đánh giá chưa cải thiện.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định chu kỳ thanh toán đã chuyển từ T+3 xuống T+2. Dù vậy, quy định T+2 nhưng thực tế vẫn là T+3. Ví dụ, sau khi bán xong cổ phiếu, thì phải đến 15h30 ngày T+2 nhà đầu tư mới nhận được tiền. Điều này cũng coi như ngày hôm sau mới giao dịch được.
Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2021 đã chuyển đổi Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán, gồm 2 công ty thành viên: Trung tâm lưu ký chứng khoán và Trung tâm bù trừ. Sau khi thành lập, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Tài Chính để cấp vốn thành lập công ty con để triển khai chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP) nhằm áp dụng DvP.
Mô hình CCP không mới khi được Việt Nam áp dụng cho việc thanh toán ở thị trường phái sinh từ năm 2017. Dù vậy, quá trình thành lập công ty con CCP được dự báo sẽ phát sinh những vướng mắc pháp lý. Cụ thể, khi sửa đổi quy định pháp lý để triển khai CCP sẽ làm thay đổi cấu trúc hoạt động của ngân hàng lưu ký, công ty chứng khoán khi Luật Các Tổ chức tín dụng chưa có cơ chế cho những tổ chức này hoạt động lưu ký bù trừ.
MSCI
Giống FTSE, Morgan Stanley Capital International (MSCI) cũng xếp hạng các thị trường chứng khoán toàn cầu theo 4 nhóm gồm: Thị trường phát triển (developed market), thị trường mới nổi (emerging market), thị trường sơ khai (frontier market) và thị trường đơn lập (standalone market). Tương tự FTSE, việc thay đổi thứ hạng của MSCI có thể khiến thị trường chứng khoán các nước có biến động mạnh do tác động trực tiếp đến dòng vốn ngoại.
Thị trường Việt Nam hiện ở nhóm các thị trường sơ khai (frontier market) và chưa được vào danh mục theo dõi của MSCI. Điểm khác biệt với FTSE Russell, là MSCI rất coi trọng vấn đề “room” của nhà đầu tư nước ngoài. Xét theo tiêu chí của MSCI, Việt Nam vẫn còn 7/17 tiêu chí cần phải cải thiện. Nếu so với Kuwait đã đáp ứng tiêu chí nâng hạng vào năm 2020, Việt Nam vẫn còn 5 tiêu chí còn phải cải thiện để có thể nâng hạng. Các tiêu chí đó gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; Thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi room ngoại; Quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin tiếng Anh và room sở hữu; Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; Đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận của VSD (Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam); Quy định thị trường và dòng thông tin bằng tiếng Anh và Thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền.
“Có thể thấy, chúng ta vẫn giới hạn “room” ngoại ở các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: Ngân hàng, logistics, cảng biển,…Đồng nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị giới hạn nếu muốn mua vào cổ phiếu các ngành này”, ông Nguyễn Thế Minh nói.
Để giải quyết vấn đề này, có 2 hướng là phát hành NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết) và đẩy mạnh phát hành sản phẩm ETF. Ở giải pháp phát hành NVDR, Luật Chứng khoán sửa đổi mới đã đưa NVDR vào định nghĩa, nhưng chưa có thông tư cụ thể. Với phương pháp này, thị trường Việt Nam có thể nhanh chóng khắc phục được câu chuyện “room” ngoại, như cách Thái Lan đã giải quyết.
Với hướng đẩy mạnh phát hành sản phẩm ETF, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng cần thành lập công ty chỉ số trực thuộc Sở giao dịch chứng khoán, ví dụ như Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan sở hữu 100% công ty Taiwan Index Plus Corporation (TIP) và giao một số chức năng liên quan đến kinh doanh chỉ số cho TIP. Đồng thời, Sở giao dịch chứng khoán có thể liên kết hợp tác với FTSE hoặc MSCI làm các đơn vị cung cấp các chỉ số.
Cùng với đó, có thể hỗ trợ miễn giảm phí giao dịch tại các quỹ ETF để khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân gia tăng đầu tư thông qua các quỹ ETF. Phần lớn hiện nay tỷ lệ nắm giữ các quỹ ETF nội vẫn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ trên 98%.